CEO FPT nói về thích ứng kinh tế thời Covid-19

CEO FPT Nguyễn Văn Khoa sẽ góp mặt trong vai trò diễn giả ở phiên thảo luận đầu tiên, chủ đề về sự thích ứng với thực tế mới. Phiên thảo luận do bà Nguyễn Lan Anh - Giám đốc điều hành Endeavor Vietnam - điều phối cùng các khách mời khác, gồm: ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiêm CEO Công ty Hải Nam; ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel.

CEO FPT sẽ là diễn giả trong phiên thảo luận về ảnh hưởng của Covid-19 đến các nền kinh tế.

Trong phiên thảo luận này, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, đầu ngành cùng chia sẻ về giải pháp vượt qua giai đoạn khủng hoảng vừa qua, quyết định cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và phương thức phát triển có tính bền vững tạo sức bật dài hạn. Đại dịch Covid-19 gây ra tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu nhưng cũng làm dịch chuyển về hành vi mua sắm, tiêu dùng trên Internet, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc. Các doanh nghiệp Việt Nam liệu có sẵn sàng nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển đột ngột như vậy?

Với chủ đề "Xuyên qua vùng nhiễu động", Diễn đàn Kinh doanh 2020 (Business Forum 2020) lần thứ 7 được Forbes Việt Nam tổ chức sẽ cùng bàn luận về hiện tượng “thiên nga đen” Covid-19 đang gây tác động tiêu cực đến các nền kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi cuối tháng 6 dự báo kinh tế toàn cầu giảm 4,9% trong năm 2020, nghiêm trọng hơn mức 3% đưa ra cách đó chỉ hai tháng.

Kinh tế Việt Nam cũng chịu suy giảm chung dù tăng trưởng ở mức cao trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, với mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư, tác động từ những yếu tố bất ổn bên ngoài sẽ có độ trễ nhất định. Bên cạnh thách thức, Việt Nam cũng có những cơ hội lớn với sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư khỏi Trung Quốc và các hiệp định thương mại mới được phê chuẩn.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Forbes Việt Nam tổ chức lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2020 theo danh sách do Forbes Việt Nam bình chọn và công bố vào tháng 6 vừa qua. FPT là thương hiệu Công nghệ duy nhất trong Top 10 và thuộc Top 20 thương hiệu Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD. Thương hiệu FPT trị giá 217,7 triệu USD, cách xa thương hiệu công nghệ top 50 khác là VNG (vị trí 25, trị giá 69,3 triệu USD).

Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2020 được xếp theo từng ngành. Hai nhóm ngành có nhiều đại diện nhất gồm nhóm hàng thực phẩm - đồ uống và nhóm dịch vụ tài chính đều có 9 đại diện, chiếm tỷ trọng nhiều nhất xét theo số lượng, tiếp theo là bất động sản, công nghệ, nguyên liệu, bán lẻ.

Đứng đầu danh sách năm nay là Viettel, với giá trị thương hiệu hơn 2,9 tỷ USD, tiếp theo là Vinamilk, với giá trị thương hiệu hơn 2,4 tỷ USD. Như vậy, vị trí xếp hạng của hai thương hiệu này đã đổi cho nhau so với bảng xếp hạng năm ngoái. Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu 2020 được Forbes Việt Nam công bố chính thức trong ấn phẩm tạp chí số 87 (tháng 8/2020). Tổng giá trị thương hiệu của danh sách 2020 đạt hơn 12,6 tỉ USD, tăng 22% so với danh sách lần thứ tư. 10 thương hiệu dẫn đầu xét về giá trị bao gồm các tên tuổi quen thuộc như Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes, MobiFone, Masan Consumer, Vietcombank, FPT và Vincom Retail.